Du lịch lễ hội chùa Hương – Hành trình về miền đất Phật linh thiêng đáng nhớ 

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu năm mới, du lịch lễ hội chùa Hương lại trở thành điểm đến hấp dẫn hàng triệu lượt du khách thập phương ghé thăm. Vậy lễ hội chùa Hương diễn ra vào ngày nào, có gì hấp dẫn? Tìm hiểu ngay trong phần chia sẻ dưới đây bạn nhé!

Lễ hội chùa Hương diễn ra ở đâu? Vào thời gian nào?

Chùa Hương là một trong những quần thể du lịch tâm linh lớn nhất miền Bắc với hệ thống đền chùa và thắng cảnh hấp dẫn. Cùng với lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh, lễ hội Bái Đính – Ninh Bình, du lịch lễ hội chùa Hương được ví như hành trình về nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Mỗi năm, nơi đây đón hàng triệu lượt du khách thập phương và Phật tử đổ về trẩy hội, du xuân vãn cảnh chùa, cầu mong một năm mới thật nhiều may mắn và hạnh phúc.

Lễ hội chùa Hương tổ chức trên khu danh thắng Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm. Thời gian tổ chức khai hội diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng trước kia vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương. 

Lễ hội chùa Hương diễn ra ở đâu? Vào thời gian nào?
Lễ hội chùa Hương diễn ra ở đâu? Vào thời gian nào?

Để tận hưởng trọn vẹn không khí trẩy hội chùa Hương, thời gian lý tưởng nhất đến đây là ngày khai hội hoặc chính hội từ rằm tháng Giêng đến ngày 18 tháng 2 Âm lịch. Lúc này cũng là thời điểm nhạy cảm bởi lượng du khách rất đông khó tránh khỏi tình trạng chen lấn, dịch vụ chặt chém, mất an ninh trật tự… nên bạn chú ý cân nhắc nhé.

Ngoài du lịch lễ hội chùa Hương vào thời gian trên, bạn có thể ghé chân vãn cảnh chùa vào mùa không hội cuối tháng 10, đầu tháng 11. Lúc này hoa súng nở rực rỡ trên dòng suối Yến cùng những cánh đồng lau trắng muốt trải dài bất tận tạo nên không gian check-in cực kỳ thơ mộng. Phong cảnh hữu tình của thiên nhiên khiến bạn cảm nhận rõ nét vẻ đẹp linh thiêng chốn cửa Phật.

Nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa của lễ hội chùa Hương

Về nguồn gốc

Khi mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn cũng là lúc hàng triệu Phật tử muôn phương nô nức thi nhau trẩy hội xuân tạo nên không khí nhộn nhịp chốn linh thiêng. Khác với chùa Hương Hà Tĩnh, chùa Hương Hà Nội xây dựng cách đây hơn 300 năm từ khoảng thế kỷ 17, gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba. 

Truyền thuyết kể lại rằng công chúa Diệu Thiên (còn gọi là Chúa Ba, ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát) đã tu hành 9 năm tại động Hương Tích, đắc đạo thành Phật đi phổ độ chúng sinh. Thời điểm mà công chúa đắc đạo vào giữa mùa xuân, trăm hoa đua nở, cây cỏ tốt tươi, vạn vật sinh trưởng. Do đó, cứ mỗi năm đến lễ Phật Đản 19 tháng 2 hàng Âm Lịch, người dân khắp nơi lại đến dâng lễ để cầu an, thưởng ngoạn thắng cảnh Hương Sơn. 

Chùa Hương xây dựng cách đây hơn 300 năm gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba
Chùa Hương xây dựng cách đây hơn 300 năm gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba

5 chữ Nam Thiên Đệ Nhất Động trên cả động Hương Tích là do Chúa Trịnh Sâm đi tuần Trấn Sơn Nam vào động thắp hương, vãn cảnh , cảm thán trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ đã đề lên vào cuối xuân năm Canh Dần 1770. Từ đó trở đi, người dân tìm đến ngày càng đông, trở thành địa điểm tôn giáo tín ngưỡng lớn của người Việt, làm tiền đề cho sự xuất hiện của hình thức du lịch lễ hội chùa Hương ngày nay. 

Ban đầu, người ta chỉ đến chiêm bái nhỏ lẻ cho đến mãi năm 1896 mới chính thức tổ chức lễ hội chùa Hương với quy mô lớn. Ngày khai hội cũng chính là ngày mở cửa rừng tạ ơn thần núi Hương Sơn theo tín ngưỡng dân gian cổ vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Về ý nghĩa văn hóa 

Lễ hội chùa Hương không chỉ là địa điểm hành hương bái Phật mà còn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc. Nó thể hiện sự giao hòa, kết nối giữa thiên nhiên với con người, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của dân tộc. Ý nghĩa cao quý ấy gói gọn trong 2 hoạt động chính là phần lễ và phần hội.

Phần lễ

Đây là nghi thức đặc sắc đại diện cho tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người miền Bắc bao gồm lễ dâng hương, lễ rước và lễ thiền. Trước khai hội 1 ngày, tất cả đền chùa, đình miếu đều thắp nhang nghi ngút tại không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. 

Phần lễ tại lẽ hội chùa Hương
Phần lễ tại lẽ hội chùa Hương

Du lịch lễ hội chùa Hương trong phần lễ, bạn có thể dâng hương, hoa quả, đồ chay để cầu nguyện cầu cho gia đình một năm mới nhiều điều may mắn và thuận lợi. 

Xưa kia trong ngày khai hội sẽ diễn ra nghi lễ nông nghiệp của người Việt cổ tạ thần núi, chúa sơn lâm, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa. Ngày nay, lễ khai sơn chứa hàm ý mới là nghi thức mở cửa chùa, khai lễ. Ngoài ra, người dân địa phương còn tổ chức lễ rước thần từ đền ra đình.

Phần hội

Kết thúc phần lễ sẽ là phần hội được mong chờ nhất khoảng thời gian dành cho du khách vui chơi, vãn cảnh chùa. Bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí náo nhiệt của ngày hội xuân, tham gia các trò chơi dân gian như bơi thuyền, leo núi, hát chèo, hát văn,.. đặc biệt là thưởng thức đặc sản đặc trưng của núi rừng Hương Sơn.

>> Xem thêm:

Phương tiện di chuyển du lịch lễ hội chùa Hương

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 62km, đến chùa Hương bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện phổ biến như ô tô, xe máy, xe bus hoặc xe ôm. Với quãng đường này, hầu hết du khách sẽ chọn đi xe máy hoặc ô tô cá nhân chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ.

Xe máy là phương tiện thông dụng khi du lịch lễ hội chùa Hương
Xe máy là phương tiện thông dụng khi du lịch lễ hội chùa Hương

Nếu đi xe máy bạn di chuyển theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông – QL21B – thị trấn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức – chùa Hương. Nếu di chuyển bằng ô tô bạn lái xe theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – nút giao Đồng Văn – QL 38 – chợ Dầu – chùa Hương.

Với những bạn sinh viên muốn du lịch lễ hội chùa Hương thì đi xe bus sẽ tiết kiệm hơn nhiều. 3 tuyến bus cho bạn tham khảo đó là xe bus số 103A: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), xe bus số 211: Bến xe Mỹ Đình – Tế Tiêu, xe bus số 75: Bến xe Yên Nghĩa – Tế Tiêu.

Riêng khách du lịch ngoại tỉnh đi ô tô hay máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài (nếu bạn từ Sài Gòn ra) sẽ là phương tiện lý tưởng nhất. Tới bến Đục, bạn sẽ đi đò khoảng 1 tiếng qua thung lũng Suối Yến hoặc ngồi thuyền máy. Sau đó đi bộ leo núi tự do vãn cảnh chùa, chiêm bái nếu sức khỏe tốt hoặc đi cáp treo an toàn, tiện lợi.

3 trải nghiệm du lịch lễ hội chùa Hương có 1-0-2 nhất định phải thử

Ngồi đò nghe điệu hò dân gian

Nét đặc sắc khi đến với lễ hội chùa Hương đó là thú vui ngồi đò thưởng thức tiên cảnh cõi Phật, lắng tai cảm nhận điệu hò, mượt mà, sâu lắng, hát chèo, hát xẩm phát ra từ các mái nhà tranh. Mỗi mùa lễ hội, hàng trăm con đò ra vào tấp nập. Trên dòng suối Yến mơ mộng được thả hồn vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ấy tuyệt vời biết mấy phải không nào.

Trải nghiệm ngồi đò nghe điệu hò dân gian trên dòng Suối Yến
Trải nghiệm ngồi đò nghe điệu hò dân gian trên dòng Suối Yến mộng mơ

Leo núi thưởng ngoạn cảnh đẹp

Là người đam mê khám phá, yêu thích hoạt động trải nghiệm ngoài trời cùng một nền tảng sức khoẻ dồi dào thì bạn nhất định phải chinh phục thử thách leo núi chùa Hương. Bạn sẽ trải qua vô số bậc thang cao thấp dẫn đến chùa Trong, động Hương Tích bày tỏ lòng tôn kính đến thần linh, chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của núi rừng Hương Sơn. 

Chèo thuyền

Trẩy hội chùa Hương vào những ngày chính hội, bạn có cơ hội tham gia đua thuyền hoặc có thể đứng nhìn cảnh tượng hàng loạt con thuyền đua nhau trên dòng suối Yến. Đây là một trong những hoạt động văn hoá giải trí nổi bật thu hút khách du lịch lễ hội chùa Hương.

Những điểm tham quan nổi bật không thể bỏ lỡ khi du lịch lễ hội chùa Hương

Hiện nay, du khách tham quan đến với lễ hội chùa Hương có 4 tuyến hành hương ứng với các điểm đến lần lượt là:

Tuyến lễ hội chính Hương Tích ghé thăm các ngôi chùa linh thiêng: Bến Đục – Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng. 

Tuyến Long Vân: Bến Đục – Chùa Thanh Sơn – Chùa Long Vân – Động Long Vân – Chùa Cây Khế – Hang Sũng Sàm.

Tuyến Tuyết Sơn: Đền Trình – Chùa Tuyết Sơn – Động Tuyết Sơn – chùa Bảo Đài.

Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài – Chùa Vân – Động Long Vân – Chùa Cây Khế.

Đền Trình

Địa điểm đầu tiên khi du lịch lễ hội chùa Hương nhất định phải ghé đó là Đền Trình. Còn có tên gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, ngôi đền nhỏ nằm ngay bên phải của dòng Yến Vĩ, dưới chân núi Ngũ Nhạc. Bất cứ ai đặt chân tới đây đều phải qua đền trình diện với các vị thần trước tiên.

Đền Trình chùa Hương nơi thờ thần linh thiêng bậc nhất miền Bắc
Đền Trình chùa Hương nơi thờ thần linh thiêng bậc nhất miền Bắc

Tương truyền, Đền Trình là nơi thờ vị thần tướng đã có công đánh đuổi giặc Ân phò vua Hùng giữ nước. Đến đây bạn không chỉ dâng hương chiêm bái mà còn được tận hưởng không khí trong lành, thanh tịnh, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên núi Ngũ Nhạc trữ tình, thơ mộng.

Suối Yến

Ngồi đò xuôi dòng Suối Yến sẽ đưa bạn đi qua cầu Hội thưởng ngoạn vẻ đẹp lạ lẫm của các ngọn núi như núi Đổi Chèo, núi Voi Phục, núi Mâm Xôi. Muốn thưởng trọn khung cảnh lãng mạn của Suối Yến bạn hãy tới đây trong tiết thu sang khi mà sắc tím hồng hiền dịu của hàng ngàn bông súng nở rộ in bóng xuống dòng nước trong vắt. Cùng với sắc xanh trong của bầu trời và cảnh tượng cây cối thay lá 2 bên đường tạo nên bức tranh đầy màu sắc khiến bạn say đắm không thôi.

Động Hương Tích 

Đích dừng chân cuối cùng mà mọi du khách hướng về đó là trung tâm của quần thể thắng cảnh chùa Hương Động Hương Tích. Vẻ đẹp của Động Hương Tích được ví như Nam Thiên đệ nhất động – động đẹp nhất Việt Nam với kiệt tác thạch nhũ lớn bé hình thù kỳ lạ: đụn gạo, cây vàng, cây bạc, con trâu, con bò… 

Động Hương Tích - Nam Thiên đệ nhất động của Việt Nam
Động Hương Tích – Nam Thiên đệ nhất động của Việt Nam

Du khách đến Động Hương Tích ai ai cũng mong muốn xin được giọt sữa thánh từ bầu sữa mẹ với mong muốn bình an, may mắn sẽ đến với mình trong năm mới. Đặc biệt là tận mắt trông thấy pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thanh tao, thoát tục. Du lịch lễ hội chùa Hương nhớ đừng bỏ qua địa điểm này bạn nhé.

Đền Vân Song (đền Cửa Võng)

Xưa kia, Đền Vân Song chỉ là một ngôi miếu nhỏ do dân làng Yến Vỹ xây dựng lên để thờ bà Chúa Rừng linh thiêng giúp cư dân gặp nhiều may mắn khi vào rừng làm nương hái lượm. Đền tọa lạc trên thế núi cao, phía dưới là thung lũng sâu, trông ra xa bạn sẽ thấy một võng núi. Chính thế núi ấy mà người xa đặt tên cho đền là Cửa Võng.

Chùa Giải Oan 

Cách động Hương Tích khoảng hơn 2km, chùa Giải Oan mang đậm nét hoài niệm, cổ kính. Bên trong chùa có một giếng nước trong vắt, mát lành đặt tên là giếng Long Tuyền. Trước chùa có con suối chín nguồn gọi là Giải Oan. Những ai có oan khuất khó nói bằng lời, không thể chia sẻ cùng ai có thể lên chùa để giãi bày nỗi lòng, tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. 

Chùa Thiên Trù

Tọa lạc trên thềm núi Lão, chùa Thiên Chùa có từ đời Vua Lê Thánh Tông với niên đại hơn 400 năm tuổi. Hệ thống chùa chia làm 4 cấp bao gồm cổng lớn Nam Thiên Môn, đỉnh to xây bằng gạch, tam quan (gác chuông, gác khánh và gác trống) và chùa chính nguy nga, tráng lệ. Trong khuôn viên chùa còn có tháp Viên Công thiết kế gạch tinh xảo theo kiến trúc đặc trưng của thời Hậu Lê, tháp Thiên Thủy, hồ Bán Nguyệt…

Đền Trình chùa Hương nơi thờ tự linh thiêng bậc nhất miền Bắc
Chùa Thiên Trù  nguy nga tránh lệ có niên đại hơn 400 năm tuổi

Động Hinh Bồng

Du lịch lễ hội chùa Hương nếu không muốn bon chen tại động chính thì Động Hinh Bồng là sự lựa chọn sáng giá cho bạn. Nơi đây mang tới cảm giác thoáng đãng, thong thả, thư giãn. Đường vào động dốc cao uốn khúc thử thách lòng kiên nhẫn của bạn. Nhưng khi đến nơi vẻ đẹp cuốn hút của những nhũ đá kỳ vĩ như chiếc đèn chùm sống động khiến bạn mãn nguyện với công sức bỏ ra.

Chùa Tiên Sơn

Chính điện của Chùa Tiên Sơn nằm tựa lưng bên sườn núi, phía trước là khoảng sân thoáng đãng bao quát toàn cảnh núi rừng Hương Sơn. Bên trái của chính điện là thạch động nơi có những pho tượng Phật bằng thạch nhũ trắng trong cao gần nửa mét có thể nhìn xuyên từ trước ra sau. Đặc biệt các phiến đá trong thạch động khi gõ âm thanh phát ra kêu như chuông, trầm như trống, cốc cốc như mõ.

Du lịch lễ hội chùa Hương ăn gì ngon?

Vùng núi Hương Sơn có những loại đặc sản mà chỉ tới du lịch lễ hội chùa Hương bạn mới được thưởng thức như chè củ mài, bánh củ mài, hạt dẻ, củ mã thầy… Đặc biệt nơi đây có một món bánh đặc trưng chế biến từ rau sắng – loại rau bạn khó có thể tìm được ở bất cứ nơi nào khác. 

Du lịch lễ hội chùa Hương ăn gì ngon?
Du lịch lễ hội chùa Hương ăn gì ngon?

Mùa hè tại chùa Hương có mơ rừng giòn ngọt được du khách săn đón mua về làm quà. Ngoài ra bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon khác chế biến từ dê núi, ngựa, nhím, bò… tại các nhà hàng trong và ngoài khu danh thắng.

Kinh phí du lịch lễ hội chùa Hương hết bao nhiêu?

Chi phí thắng cảnh và thuyền đò (áp dụng cho tuyến chính Đền Trình – chùa Thiên Trù – động Hương Tích)

  • Vé hạng thường: 80.000 đồng/người.
  • Vé hạng ưu tiên: 38.000 đồng/người.
  • Vé đi đò, thuyền đi và về: 50.000 đồng/người. Riêng tuyến Tuyết Sơn, Long Vân là 35.000 đồng/người.

Như vậy chi phí tham quan thắng cảnh và thuyền đò tuyến chính khi du lịch lễ hội chùa Hương bạn sẽ phải trả là 130.000 đồng/người với vé thường, 88.000 đồng/người với vé ưu tiên.

Chi phí thắng cảnh và thuyền đò du lịch chùa Hương hết bao nhiêu?
Chi phí thắng cảnh và thuyền đò du lịch chùa Hương hết bao nhiêu?

Các đối tượng thuộc diện ưu tiên miễn phí và giảm giá vé thắng cảnh bao gồm:

  • Giảm 50% với các đối tượng người cao tuổi từ 60 trở lên, học sinh sinh viên, đối tượng thuộc diện chính sách xã hội (người tàn tật, người neo đơn, người được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội, học sinh dân tộc nội trú) và trẻ em trên 10 tuổi cao dưới 1,1m. Khi mua vé, các đối tượng trên cần xuất trình CMND, CCCD, thẻ hội viên, thẻ học sinh sinh viên,… để nhận được ưu đãi.
  • Miễn phí 100% vé đối với thương binh nặng hạng đặc biệt, trẻ em dưới 10 tuổi cao dưới 1,1m, du khách về chùa Hương vào ngày Di sản (23/11), ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên Đán, ngày lễ Phật đản 15 tháng 4 Âm lịch.

Chi phí đi cáp treo

  • Đối với người lớn và trẻ em cao trên 1,1m, vé khứ hồi là 180.000 đồng/vé, vé 1 chiều là 120.000 đồng/vé.
  • Đối với trẻ em cao dưới 1,1m, vé khứ hồi là 120.000 đồng/vé, vé 1 chiều là 90.000 đồng/vé.
Chi phí đi cáp treo du lịch lễ hội chùa Hương hết bao nhiêu?
Chi phí đi cáp treo du lịch lễ hội chùa Hương bao nhiêu tiền?

Gợi ý lịch trình du lịch lễ hội chùa Hương

Phượt chùa Hương

Trong vòng bán kính 40km, bạn hoàn toàn có thể phượt chùa Hương trong vòng 1 đến 2 ngày bằng ô tô, xe máy hoặc xe bus. Nếu đi 1 ngày, 3 điểm đến nhất định phải tới là đi đò trên dòng suối Yến, ghé thăm Chùa Thiên Trù và Động Hương Tích. 

Bạn có thể đi bộ khám phá hoặc trải nghiệm đi cáp treo cả đi lẫn về. Tốt nhất là bạn đi cáp treo chiều lên rồi lượt về đi bộ để được tận hưởng cả 2 trải nghiệm. Nếu có ý định ở lại qua đêm, hành trình của ngày hôm sau có khá nhiều tuyến tham quan cho bạn lựa chọn: tuyến Thanh Sơn, tuyến Tuyết Sơn và tuyến Long Vân.

Đi theo tour du lịch chùa Hương

Tour 2 ngày 1 đêm

Ngày 1: Hà Nội – Chùa Hương

Tour du lịch lễ hội chùa Hương đưa bạn tới bến Yến làm lễ tại Đền Trình sau đó lên thuyền xuôi dòng Suối Yến chiêm ngưỡng điều kỳ thú của núi Ông Sư Bà Vãi, đài Chiến Thắng, cầu Hội, hang Sơn Thủy Hữu Tình, núi Đổi Chèo, núi Ba Đài, núi Con Voi. 

Tour du lịch chùa Hương 2 ngày 1 đêm
Tour du lịch chùa Hương 2 ngày 1 đêm

Thuyền cập bến đò Trong cũng là lúc bạn lên Chùa Thiên Trù bái Phật, thăm Động Hương Tích phong cảnh hữu tình. Buổi chiều chiêm bái Chùa Tiên Sơn, Động Hinh Bồng.

Ngày 2: Tuyết Sơn – Đền Đức Thánh Cả – Hà Nội

Xe đưa bạn đến bến đò Tuyết Sơn khám phá kỳ quan Ngọc Long Động với bức tượng phù điêu quận chúa Ngọc Hương, tham quan rừng mơ Hương Tích nổi tiếng từng đi vào thi ca nhạc họa. Buổi chiều, du khách tới Đền Đức Thánh Cả dâng hương rồi trở về Hà Nội.

Tour 1 ngày

Du lịch lễ hội chùa Hương trong 1 ngày trọn vẹn, du khách sẽ đi đò khám phá các ngọn núi hình thù độc đáo như Sư Tử Phục, Núi Mâm Xôi và đi qua cây Cầu Hội nổi tiếng của Chùa Hương. Tiếp đó, bạn sẽ dừng chân lễ Phật tại Chùa Thiên Trù, thưởng thức đặc sản địa phương.

Buổi chiều du khách đi cáp treo lên Động Hương Tích chiêm bái tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát cùng hàng vạn nhũ đá lạ mắt Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,..

Tour du lịch chùa Hương 1 ngày
Tour du lịch chùa Hương 1 ngày

Kinh nghiệm du lịch lễ hội chùa Hương bạn cần biết

  • Giữ gìn vệ sinh chung bỏ rác đúng nơi quy định để khu thắng cảnh luôn sạch sẽ. Bảo quản tư trang cẩn thận tránh kẻ gian móc túi nhất là vào mùa cao điểm lễ hội.
  • Lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo, đứng đắn thể hiện sự thành kính, phù hợp với không gian tâm linh nơi thờ tự. Chuẩn bị đồ cúng lễ gọn gàng trước từ ở nhà để tiết kiệm thời gian và chi phí cho chuyến đi.
  • Di chuyển nhẹ nhàng bằng giày thể thao, dép thấp bảo vệ đôi chân của bạn thay vì đi cao gót loẹt quẹt gây tiếng động lớn. Cư xử nho nhã, không cười đùa, to tiếng, chen lấn xô đẩy gây mất trật tự nơi chùa chiền ảnh hưởng đến những người xung quanh.
  • Tuyệt đối không tin theo cò dẫn đò lợi dụng mồi chài, chặt chém du khách trong mùa du lịch lễ hội chùa Hương. Mua vé trực tiếp tại cổng hoặc liên hệ với nhà đò quanh khu vực suối Yến được ban quản lý di tích quy định rõ ràng tránh dính bẫy lừa đảo nhé.
  • Trước khi mua bất cứ đặc sản hay đồ lưu niệm phải trả giá, kiểm tra số lượng, hạn sử dụng đặc biệt là cân nhắc với các sản phẩm thuốc nam bồi bổ sức khỏe bởi nhiều loại chưa được kiểm chứng về chất lượng.
  • Cập nhật tình hình thời tiết để mang theo ô dù, mũ nón khi gặp điều kiện mưa nắng thất thường. Đem theo nước uống, đồ ăn nhẹ, thuốc men cơ bản, gọn nhẹ để chủ động cho chuyến đi được thoải mái và yên tâm nhất.

Du lịch lễ hội chùa Hương là trải nghiệm thú vị tìm về mảnh đất Phật giáo linh thiêng với cảnh sắc thiên nhiên trữ tình. Lên kế hoạch ngay cho chuyến du xuân đầu năm khai hội chùa Hương cùng với bạn bè, người thân nhé. Chúc bạn có hành trình khám phá chùa Hương vui vẻ và đáng nhớ.

Nội dung liên quan

All in one
Liên hệ