Nằm ở vùng núi phía Đông Bắc nước ta với đường biên giới giáp với Trung Quốc lên tới 300km, Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh núi non hùng vĩ, thơ mộng trữ tình với hàng loạt danh lam thắng cảnh. Không chỉ vậy, Cao Bằng còn là quê hương của nhiều di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với cách mạng Việt Nam. Non nước Cao Bằng từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng KAVO TRAVEL khám phá trọn bộ kinh nghiệm du lịch Cao Bằng đầy đủ nhất cho một chuyến đi thật ý nghĩa bạn nhé.
>> Xem thêm:
Đôi nét về Cao Bằng
Tỉnh Cao Bằng, thuộc khu vực miền núi Đông Bắc Bộ, giáp Trung Quốc với đường biên giới lên tới 300km. Địa hình Cao Bằng chủ yếu là núi đá vôi cao và núi đất với độ cao trung bình từ 200m trở lên. Những vùng núi cao sát biên giới có độ cao trung bình dao động từ 600 – 1300m so với mực nước biển. Xen lẫn giữa những ngọn núi là những dòng sông chảy hiền hòa và thung lũng thơ mộng. Vì vậy mà thiên nhiên Cao Bằng mang vẻ đẹp của núi non vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Vẻ đẹp của những ngọn núi, những cung đèo, dòng sông, con suối ở Cao Bằng khiến du khách mê mẩn và lưu luyến một khi đặt chân đến vùng đất này.
Hiện nay, Cao Bằng vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ đốn tim du khách. Vì vậy, nơi đây luôn là một trong những điểm đến hot nhất ở phía Bắc cho hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá, du lịch sinh thái. Đối với các phượt thủ, các bạn trẻ yêu thích xê dịch, đặt chân đến những vùng đất mới thì Cao Bằng luôn là một điểm đến tuyệt vời.
Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên không phải bàn cãi, Cao Bằng còn là một vùng đất anh hùng gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Việt Nam vào năm 1941 và đã lựa chọn Cao Bằng là địa điểm làm việc và Cao Bằng cũng trở thành căn cứ của cách mạng Việt Nam. Hang Pác Bó – nơi làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay trở thành điểm đến du lịch, di tích lịch sử quan trọng của Cao Bằng nói riêng và của nước ta nói chung.
Tới Cao Bằng, du khách còn mê mẩn với những làn điệu dân ca, những nét văn hóa đặc trưng, phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó là nền ẩm thực độc đáo, con người Cao Bằng gần gũi thân thương chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng.
Nên đi du lịch Cao Bằng mùa nào đẹp?
Non nước Cao Bằng bất cứ mùa nào cũng sẽ không khiến du khách thất vọng với vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình. Mỗi mùa ở Cao Bằng sẽ đều cho du khách những trải nghiệm rất riêng, rất đặc biệt về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực. Bởi lẽ thật khó để có thể khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Cao Bằng trong một chuyến đi, du khách cần tìm hiểu về đặc trưng của Cao Bằng theo mùa để lựa chọn thời điểm du lịch cho phù hợp.
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, du khách đang băn khoăn không biết nên du lịch Cao Bằng mùa nào có thể tham khảo thông tin dưới đây:
- Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Cao Bằng là tháng 8 – tháng 9 hàng năm. Thời điểm này là mùa thu ở miền Bắc nên thời tiết Cao Bằng rất mát mẻ, thuận tiện cho việc di chuyển, tham quan, khám phá các điểm đến. Đây cũng là mùa nước lên nên những con sông, con suối, thác nước tại Cao Bằng sẽ vào mùa đẹp nhất. Du khách tới đây sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn thác Bản Giốc hùng vĩ, những ngọn nước đổ xuống tung bọt trắng xóa tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ mà vô cùng thơ mộng.
- Ngược lại, từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau Cao Bằng mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng với dòng nước êm đềm, trong xanh. Từ tháng 10 trở đi nhiệt độ bắt đầu giảm, trời lạnh hơn, có sương vào sáng sớm và chiều tối. Vào tháng 12 – tháng 1 cao điểm của mùa lạnh, du khách có cơ hội săn tuyết, băng giá tại những đỉnh núi cao, điển hình như núi Phia Oắc.
- Nếu du khách muốn ngắm lúa chín, ngắm hoa tam giác mạch nở tại Cao Bằng thì có thể tới đây vào tháng 10.
Dù đi Cao Bằng vào bất cứ thời điểm nào thì đừng quên chuẩn bị quần áo ấm vừa phải theo mùa nhé. Thời tiết Cao Bằng về đêm khá lạnh. Trong quá trình di chuyển bằng xe máy, du khách cũng nên mặc đủ ấm, nên mắc các loại áo có thể chắn gió tốt để đảm bảo một hành trình an toàn nhất.
Kinh nghiệm di chuyển khi đi du lịch Cao Bằng
Cao Bằng là một điểm du lịch nổi tiếng, có định hướng phát triển lâu dài, bền vững nên việc di chuyển dành cho du khách ngày nay đã rất thuận tiện hơn nhiều so với trước. Dưới đây là cẩm nang di chuyển cho du khách được đúc kết từ kinh nghiệm du lịch Cao Bằng.
Di chuyển tới Cao Bằng
Cao Bằng cách Hà Nội khoảng 280km. Từ Hà Nội đi Cao Bằng, du khách có thể lựa chọn một trong những phương tiện di chuyển dưới đây:
- Di chuyển bằng xe khách: Xe khách được coi là lựa chọn hàng đầu về mức độ thuận tiện cũng như an toàn với một mức kinh phí hợp lý khi di chuyển từ Hà Nội đi Cao Bằng. Với mức giá khoảng 300.000/ chiều/ người, khởi hành từ bến xe Mỹ Đình, du khách mất khoảng 6 tiếng để đặt chân tới Cao Bằng. Bạn có thể lựa chọn xe khách giường nằm, xe cabin hay đặt xe limousine. Vào mùa cao điểm du lịch, du khách nên liên hệ nhà xe đặt chỗ trước để tránh tình trạng xe hết chỗ hoặc không thể đi theo lịch trình đã lên trước.
- Di chuyển bằng ô tô cá nhân: Muốn chủ động hơn thì bạn có thể di chuyển bằng phương tiện ô tô riêng. Di chuyển bằng ô tô riêng phù hợp cho gia đình hay nhóm bạn. Xe có thể là của bạn hoặc thuê xe tự lái. Ưu điểm của loại hình này là sự chủ động, giảm mệt mỏi hơn so với đi xe máy. Nếu đi ô tô riêng, du khách có thể di chuyển theo cung đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn rồi rẽ vào Quốc lộ 4 đi Cao Bằng.
- Phượt xe máy: Đây sẽ là trải nghiệm mà nhiều bạn trẻ hay dân phượt chính hiệu không thể bỏ lỡ khi đi du lịch Cao Bằng. Bạn có thể di chuyển bằng xe máy cá nhân hoặc thuê xe máy xuất phát từ Hà Nội (hoặc tỉnh thành khác). Từ Hà Nội, du khách có thể di chuyển theo hướng cầu Thanh Trì, theo QL1A rồi rẽ vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, tiếp theo là cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới. Sau khi đến Bắc Kạn, bạn đi theo Quốc Lộ 3 đi Cao Bằng.
Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi Cao Bằng, bạn cần chuẩn bị sức khỏe đủ tốt, ngủ đủ giấc trước khi xuất phát, đảm bảo tay lái đủ cứng. Ngoài ra, đừng quên mang theo giấy tờ cần thiết. Trên đường đi, để đảm bảo không lạc đường thì bạn có thể liên tục tra đường trên Google Map.
Với những du khách không ở Hà Nội thì lộ trình trên chỉ là thông tin tham khảo. Từ phía Nam, bạn có thể di chuyển tới Hà Nội và lựa chọn một trong những phương tiện trên để tiếp tục hành trình. Nếu ở tỉnh thành phía Bắc khác, bạn có thể tham khảo thêm thông tin để có lộ trình di chuyển phù hợp, tiết kiệm nhất.
Di chuyển tại Cao Bằng
Nếu đi xe khách đến Cao Bằng thì du khách nên thuê xe máy để tiếp tục hành trình khám phá những điểm đến tại đây. Du khách có thể liên hệ đặt trước xe hoặc tới nơi thuê với mức giá từ 180.000 đồng/ ngày/ xe. Khi thuê xe máy, bạn kiểm tra trước chất lượng xe, đèn, phanh, còi, giấy tờ xe có đầy đủ hay không. Để phòng trường hợp xe xảy ra sự cố trong quá trình di chuyển thì du khách có thể xin số điện thoại liên hệ của dịch vụ hỗ trợ, địa điểm cho thuê để gọi “chi viện” khi cần thiết nhé.
Ngoài xe máy, bạn có thể di chuyển bằng taxi hoặc xe buýt. Tuy nhiên, đa số các bạn trẻ, du khách đi du lịch tự túc hiện nay đều lựa chọn thuê xe máy để có trải nghiệm khám phá đúng nghĩa.
Du lịch Cao Bằng ở đâu?
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, các loại hình lưu trú tại đây ngày càng phát triển đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Tại Cao Bằng, hai loại hình lưu trú chính là khách sạn hoặc homestay.
Khách sạn
Hệ thống khách sạn, resort ở Cao Bằng nhìn chung chưa phát triển mạnh mẽ, số lượng nhiều và đẳng cấp như một số điểm đến khác ở miền Bắc. Tuy nhiên. với những khách sạn từ bình dân đến 3* thì nơi đây vẫn có đủ để du khách có thể lựa chọn.
Tại khu vực thác Bản Giốc, du khách có thể tham khảo Sài Gòn – Bản Giốc Resort, một resort nghỉ dưỡng hiếm hoi ở Cao Bằng. Bên cạnh đó là các khách sạn ở trung tâm thị trấn. Du khách cũng có thể lựa chọn nghỉ đêm ở khách sạn tại thành phố Cao Bằng. Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo là Mường Thanh Luxury Cao Bằng Hotel, Jeanne Hotel Cao Bằng, Green Hotel, Max Boutique Hotel, Bảo Ngọc Diamond Hotel,…
Để có thêm thông tin về loại hình lưu trú này, du khách có thể tìm hiểu tại các chuyên trang du lịch, các hội nhóm, website có liên quan.
Homestay
Nếu kinh phí có hạn hay muốn trải nghiệm không gian lưu trú gần gũi, thân thuộc, đậm chất vùng miền hơn thì homestay sẽ là lựa chọn lý tưởng cho du khách. Loại hình lưu trú này ngày càng được ưa chuộng tại Cao Bằng.
Các homestay có thể ở thành phố hoặc xung quanh các địa điểm du lịch. Giá phòng tại homestay mềm hơn ở khách sạn. Bạn sẽ được đón tiếp nồng hậu bởi chủ homestay là những người dân Cao Bằng thân thiện, những người yêu du lịch với lòng hiếu khách. Lưu trú tại homestay cho bạn cơ hội gần gũi hơn với người dân địa phương, khám phá văn hóa của các dân tộc nơi đây. Những bữa cơm tại homestay mang đậm hương vị ẩm thực Cao Bằng chắc chắn không khiến du khách thất vọng.
Kinh nghiệm du lịch Cao Bằng – Đi đâu, chơi gì?
Đi du lịch Cao Bằng thì đi đâu, chơi gì? Với kinh nghiệm du lịch Cao Bằng và tổ chức rất nhiều tour du lịch độc đáo, hãy cùng KAVO TRAVEL điểm qua những địa điểm tham quan và trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách khi đặt chân đến non nước Cao Bằng nhé.
Tham quan thác Bản Giốc nơi biên giới Việt Trung
Thác Bản Giốc là điểm đến hấp dẫn bậc nhật tại Cao Bằng. Là thác nước lớn nhất Việt Nam, thác Bản Giốc mang vẻ đẹp hùng vĩ, hoành tráng hút tầm mắt. Đến thăm thác Bản Giốc vào mùa nước cao, bạn được chiêm ngưỡng dòng nước đổ xuống tung bọt trắng xóa. Giữa thiên nhiên hùng vĩ, con người bỗng trở nên nhỏ bé hơn.
Để vào tham quan thác Bản Giốc, du khách có thể mua vé với mức giá 45.000 đồng/ người. Tại đây, du khách có thể ngắm cảnh, picnic, tắm thác và tha hồ chụp ảnh check-in. Thác Bản Giốc Cao Bằng cũng chính là một cột mốc trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Bên kia thác chính là lãnh thổ của nước bạn Trung Quốc. Vị trí này khiến con thác càng trở nên đặc biệt và thu hút đông đảo du khách ghé thăm.
Di tích lịch sử Pác Bó
Đặt chân đến Cao Bằng, du khách yêu lịch sử nên một lần đến thăm khu di tích Pắc Bó. Đây là địa danh lịch sử gắn liền với sự phát triển của cách mạng Việt Nam và công cuộc kháng chiến hào hùng của cha ông ta.
Khu di tích Pắc Bó cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50km. Khuôn viên khu di tích khá rộng. Để tham quan và khám phá hết thì du khách nên dành riêng một buổi sáng hoặc chiều cho nơi này.
Các điểm dừng chân nổi bật trong khu di tích lịch sử Pác Bó bao gồm cột mốc số 0 – điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, núi Các Mác – suối Lê nin, bàn đá mà bác Hồ thường làm việc lúc sinh thời, hang Cốc Bó. Khu di tích như tái hiện một thời kỳ đầy tự hào trong lịch sử dân tộc. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng tại đây, cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở nên lớn mạnh hơn.
Khu di tích lịch sử Pác Bó cũng là biểu tượng cho tình cảm cho nhân dân Cao Bằng, sự bao bọc của thiên nhiên và con người nơi đây dành cho cách mạng.
Tham quan và cắm trại tại núi Mắt Thần
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, một trong những trải nghiệm du khách không nên bỏ lỡ khi tới đây là tham quan và cắm trại tại núi Mắt Thần. Núi Mắt Thần cách trung tâm thành phố khoảng 40km, thuộc quần thể công viên địa chất Cao Bằng.
Hình ảnh ngọn núi thủng độc đáo đã kích thích sự tò mò và thu hút đông đảo du khách. Điều đặc biệt là ngọn núi thủng này không hề đứng một mình. Xung quanh là núi non trùng điệp, đan xen giữa những thung lũng trải thảm cỏ xanh thơ mộng và dòng nước hiền hòa. Bãi cỏ dưới chân núi Mắt Thần là địa điểm camping nổi tiếng với du khách khi đến Cao Bằng.
Bạn có thể tổ chức cắm trại qua đêm tại đây. Quanh khu vực núi Mắt Thần có địa điểm cho thuê dịch vụ cắm trại qua đêm trọn gói và chuyên nghiệp.
Làng đá cổ Khuổi Ky
Bên cạnh những điểm đến tự nhiên, Cao Bằng còn có những ngôi làng cổ thơ mộng, kỳ bí, mang nhiều giá trị về lịch sử cũng như văn hóa. Làng đá cổ Khuổi Ky nằm gần thác Bản Giốc chính là địa điểm được du khách ghé thăm khá nhiều khi tới Cao Bằng.
Làng đá cổ Khuổi Ky mang vẻ đẹp yên bình, hoang sơ, nguyên thủy. Tổng cộng chỉ có 14 hộ dân sinh sống trong lành, toàn bộ là dân tộc Tày. Gọi là làng đá cổ bởi lẽ nơi đây có những căn nhà sàn làm bằng đá, những vật dụng bằng đá. Theo như ghi chép thì những ngôi nhà này có tuổi đời lên tới hơn 400 năm, được xây dựng từ thời nhà Mạc lên Cao Bằng khai thác và phát triển.
Làng đá cổ Khuổi Ky là địa điểm lý tưởng để khám phá và cảm nhận sự bình yên, hoang sơ, mộc mạc khi đặt chân đến Cao Bằng mà bạn không nên bỏ lỡ.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, chùa Phật Tích Trúc Lâm là địa điểm lui tới tham quan, chụp ảnh, đi lễ của nhiều du khách, đặc biệt là những tín đồ Phật giáo. Ngôi chùa cũng nằm ngay gần thác Bản Giốc. Từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ, phóng tầm mắt thu trọn khung cảnh của thác Bản Giốc.
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao là điểm đến cũng khá nổi tiếng với du khách tại Cao Bằng. Cái tên Ngườm Ngao bắt nguồn từ những câu chuyện xưa được người dân kể lại. Người ta tương truyền rằng Ngườm Ngao nghĩa là động hổ. Khi xưa, nơi đây có thể là nơi sinh sống của những đàn hổ dữ. Lại có người bảo rằng, khi ở trong động sẽ nghe tiếng nước chảy như tiếng hổ gầm, nên gọi là Ngườm Ngao.
Với tuổi đời khoảng 400 triệu năm, động Ngườm Ngao có diện tích đồ sộ và vẻ đẹp tráng lệ. Tại đây, không gian hiện lên với những khối đá lung linh, những dòng sông ngầm, suối ngầm, nước chảy róc rách nghe rất vui tai. Không khí trong động cực kỳ mát mẻ vào mùa Hè khiến du khách thích thú.
Hang Ngườm Pục
Hang Ngườm Pục là một hang đá nằm giáp với tỉnh Lạng Sơn, thuộc địa phận huyện Thạch An (Cao Bằng). Đây là một hang đá hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa được khai thác du lịch nhiều. Tuy nhiên, nơi đây mang một nét đẹp kỳ bí, lung linh mà bạn nên đặt chân tới một lần khi đi du lịch Cao Bằng.
Hồ Thang Hen
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng thì một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông du khách nhất chính là Hồ Thang Hen. Hồ Thang Hen tọa lạc tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Là hồ nhưng là hồ nước tọa lạc tại độ cao 1000m nên hồ Thang Hen mang một nét đẹp rất khác biệt, hùng vĩ giữa núi non, thơ mộng trữ tình với làn nước trong xanh.
Đây là địa điểm check-in cực hot khi đặt chân tới Cao Bằng được du khách cơ ngợi trong nhiều năm trở lại đây.
Chinh phục đèo Khau Cốc Trà
Nếu Tây Bắc có tự đại đỉnh đèo thì Cao Bằng cũng có một con đèo đẹp không kém, hiểm trở không kém mà bất cứ phượt thủ chính hiệu nào cũng muốn chinh phục. Con đèo chỉ dài khoảng tầm 2,5km nhưng có đoạn chia thành 14 khúc cua tay áo xếp chồng lên nhau vượt qua ngọn núi đá vôi hùng vĩ. Khi kết thúc đoạn đèo này, du khách có thể check in với toàn cảnh núi non Cao Bằng hùng vĩ và toàn bộ những khúc cua khó nhằn nhất.
Hiện nay, con đèo Khau Cốc Trà là một trong những biểu tượng của du lịch Cao Bằng. Tuy nhiên, du khách cần hết sức cẩn thận khi đi chuyển qua đoạn đường này. Đặc biệt là vào trời tối hoặc những ngày đông khách.
Khám phá chợ phiên Bảo Lạc
Chợ phiên là một nét sinh hoạt văn hóa của người dân vùng miền. Nếu đến Cao Bằng vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25, 30 Âm lịch hàng tháng, hãy dành thời gian khám phá chợ phiên Bảo Lạc để thưởng thức đặc sản Cao Bằng và mua sản vật nơi đây về làm quà bạn nhé.
Bản Giuồng
Cao Bằng có bản du lịch hay không? Đó là câu hỏi của nhiều du khách khi đặt chân tới đây. Với kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, du khách có thể ghé thăm bản Giuồng, một ngôi làng nhỏ của người Tày tại xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa để khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa.
Phong cảnh tại bản còn khá hoang sơ, không khí trong lành, mát mẻ, cuộc sống người dân chậm rãi, bình yên giúp du khách xua đi mọi mệt mỏi, áp lực, hòa mình vào thiên nhiên. Tại đây, bạn đến đúng ngày còn có thể tham gia vào lễ hội Nàng Hai – một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Rừng trúc Lũng Pán
Nếu muốn lạc vào một khung cảnh tựa như những bộ phim cổ trang Trung Quốc thì bạn hãy ghé thăm rừng trúc Lũng Pán – Mấn Cốc – Bảo Lạc – Cao Bằng. Tại đây, một không gian ngập tràn màu xanh, trong lành, mát mẻ với những cây trúc uốn mình vươn cao.
Du khách có thể trải nghiệm cắm trại trong rừng trúc, chụp ảnh check-in với đồ cổ trang.
Khám phá vườn hạt dẻ ở Trùng Khánh
Một trong những đặc sản Cao Bằng nổi tiếng không thể thiếu chính là hạt dẻ. Nếu có dịp tới đây, du khách nên có thể sắp xếp ghé thăm thủ phủ hạt dẻ Cao Bằng – Trùng Khánh.
Cách thành phố Cao Bằng 60km, du khách chỉ mất khoảng 1,5 giờ để di chuyển đến vườn hạt dẻ Trùng Khánh. Có hai thời điểm lý tưởng để ghé thăm địa điểm này là mùa Xuân hoa nở và mùa hạt dẻ chín và khoảng tháng 01, tháng 11. Tại vườn, bạn có thể khám phá cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến hạt dẻ của người dân địa phương.
Thung lũng Xuân Trường
Có một thung lũng đẹp đến nao lòng gọi tên thung lũng Xuân Trường. Nơi đây được du khách biết đến với phong cảnh nhẹ nhàng, trữ tình, hồ nước trong veo hiền hòa đặc biệt là mùa hoa lê nở trắng từng góc nhà.
Thung lũng Xuân Trường tọa lạc tại gần trung tâm thị trấn Bảo Lộc, huyện Bảo Lộc. Việc di chuyển tới đây không quá khó khăn. Thung lũng nằm giữa những ngọn núi đá vôi, là địa bàn sinh sống và lao động sản xuất của những hộ đồng bào dân tộc Tày và dân tộc Nùng. Những dải đất bằng xen giữa núi, những con đường nhỏ quanh co chạy qua cánh đồng, những ngôi nhà sàn nhỏ lấp ló dưới bóng hoa lê tạo cho nơi đây một khung cảnh bình yên đến lạ.
Du khách ghé thăm thung lũng Xuân Trường vào tháng 9 sẽ được đắm mình trong không gian ngập sắc vàng, tháng 2 là sắc trắng hoa lê. Tại đây, có một hồ nước tự nhiên tên là hồ Thồm Lồm – địa điểm picnic và chụp ảnh lý tưởng.
Hồ Bản Viết
Hồ Bản Viết nằm xóm Bản Viết, xã Phong Châu (Trùng Khánh), là một hồ nước tự nhiên với màu nước xanh ngắt nằm giữa những cánh rừng. Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, thời điểm điểm lý tưởng nhất để ghé thăm hồ Bản Viết là vào mùa thu đông, khi cây rừng thay lá. Bản Viết hiện lên như một ngôi làng nhỏ giữa trời Âu, đẹp mộng mơ và trong trẻo.
Tại đây, du khách cũng có thể đa dạng hóa trải nghiệm của mình tại Cao Bằng với các hoạt động như dã ngoại, trekking, chèo SUP,…
Trekking núi Phia Oắc
Cuối cùng, một trải nghiệm mà KAVO TRAVEL muốn gợi ý cho du khách là trekking núi Phia Oắc. Với độ cao 1931m so với mực nước biển, ,để chinh phục được ngọn núi này là một hành trình tương đối khó khăn. Tuy nhiên, thiên nhiên hùng vĩ nhìn từ trên núi cao sẽ không khiến du khách cảm thấy thất vọng và hành trình trekking sẽ được đền đáp một cách xứng đáng.
Núi Phia Oắc là địa điểm lý tưởng để săn được biển mây vào mùa Đông, săn được băng giá – tuyết vào những ngày miền Bắc rét cực đậm và ngắm hoa nở cực đẹp mùa tháng 3.
Đặc sản Cao Bằng không thể bỏ lỡ
Cao Bằng là quê hương của nhiều món ngon nổi tiếng khắp các vùng miền. Với kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, KAVO TRAVEL gợi ý cho bạn danh sách món ngon Cao Bằng nên thưởng thức trong lần đầu tiên đặt chân tới đây.
Bánh cuốn Cao Bằng
Bánh cuốn Cao Bằng là đặc sản nổi tiếng đầu tiên phải kể đến. Không giống như bánh cuốn ở các vùng miền khác, bánh cuốn Cao Bằng được ăn kèm cùng nước dùng ninh xương thay vì nước mắm truyền thống. Cách thưởng thức đặc biệt cũng đem lại hương vị đặc biệt cho món ăn. Kỹ thuật tráng bánh lành nghề của người dân cũng cho ra những chiếc bánh cuốn mỏng, mềm mà dẻo thơm mùi gạo mới.
Nếu phải kể tên chỉ một đặc sản nên thưởng thức khi tới Cao Bằng thì chắc chắn sẽ là bánh cuốn.
Bánh áp chao
Bánh áp chao là tên gọi khác của bánh vịt chao – một món ăn đặc sản cho mùa đông lạnh ở Cao Bằng. Nhân bánh được làm bằng thịt vịt được tẩm ướp gia vị đầy đủ. Sau đó phủ một lớp bột ra ngoài và chiên giòn. Vỏ bánh giòn, nhân bên trong thì ngon ngọt đậm đà rất đưa vị.
Khi thưởng thức, bánh áp chao được chấm với nước mắm chua ngọt/ tương ớt ăn kèm rau sống.
Phở chua
Phở chua được chế biến ở nhiều vùng miền, nhưng đặc sản phở chua Cao Bằng lại đặc biệt hơn cả với nguyên liệu ăn kèm không thể trộn lẫn. Những sợi phở mềm, dai ăn kèm với thịt ba chỉ rán giòn, gan lợn, dạ dày lợn chiên giòn, khoai tàu thái sợi chiên giòn, trộn với rau sống – rau mùi, đậu phộng, móc mật và nước sốt chua thần thánh tạo nên sự hài hòa về hương vị.
Cá trầm hương
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, cá trầm hương cũng là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất này mà bạn nên thưởng thức. Cá trầm hương là đặc sản thác Bản Giốc, Trùng Khánh. Có thể chế biến được nhiều món ngon từ loài cá này. Tuy nhiên, đặc biệt và được nhiều du khách yêu thích nhất là món cá trầm hương nướng than hoa.
Còn gì tuyệt vời hơn nếu được thưởng thức cá trầm hương nướng và ngắm thác Bản Giốc, cắm trại bên núi Mắt Thần hay chill bên bờ suối Lenin đúng không nào.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một món ăn đặc biệt của Cao Bằng. Vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp, nhân bánh là trứng kiến đen rừng với hương vị đặc biệt thơm ngon. Bánh trứng kiến thường được phục vụ nhiều vào tầm tháng 4 – tháng 5. Thời gian này, kiến đen rừng Cao Bằng sinh trưởng rộ ở Cao Bằng.
Xôi trám
Đặc sản xôi trám Cao Bằng được nấu từ những hạt gạo nếp dẻo thơm nhất, kết hợp với vị bùi bùi của trám tươi tạo nên một món ăn dân giã với hương vị đặc biệt. Xôi trám Cao Bằng đã được bình chọn trong danh sách 100 đặc sản vùng miền tiêu biểu. Nếu có dịp tới đây, du khách hãy thử một lần thưởng thức món ăn này nhé.
Rau dạ hiến
Rau dạ hiến là tên gọi của một loài rau dại ở Cao Bằng, được người dân chế biến thành món ăn như rau xào tỏi, xào thịt, tôm hay nhúng lẩu,.. Cách chế biển đơn giản giúp rau giữ được màu xanh đẹp mắt và bị ngọt, béo ngậy tự nhiên. Đây là đặc sản Cao Bằng được du khách mua về làm quà khá nhiều. Bạn có thể mua với mức giá 30.000 đồng/ bó tại chợ hay các xạp rau bày dọc đường.
Bún khô 7 màu
Bún khô Cao Bằng được tạo màu tự nhiên bằng các loại nguyên liệu thiên nhiên đảm bảo màu sắc thật, an toàn cho sức khỏe người dùng. Đây là một đặc sản của thành phố Cao Bằng du khách có thể mua về làm quà.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Cái tên cuối cùng trong danh sách ẩm thực Cao Bằng ngày hôm nay chính là hạt dẻ Trùng Khánh. Hạt dẻ sau khi luộc, rang lên sẽ có vị bùi, dậy hương thơm của núi rừng. Du khách có thể thưởng thức hạt dẻ Trùng Khánh nóng hổi tại những khu phố ẩm thực, chợ hoặc mua về làm quà.
Một số lưu ý khi đi du lịch Cao Bằng lần đầu
Đối với du khách đi Cao Bằng lần đầu, bên cạnh những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng kể trên cần lưu ý thêm một vài điều dưới đây để có một chuyến đi trọn vẹn nhất.
- Các điểm đến ở Cao Bằng cách khá xa nhau, du khách đôi khi phải di chuyển nhiều bằng xe máy, đi bộ cũng nhiều nên lựa chọn những bộ trang phục thoải mái, nhẹ nhõm, dễ di chuyển. Bạn nên mang trang phục phù hợp theo mùa: áo ấm vào mùa Đông, quần áo mát vào mùa Hè. Đừng quên mang theo áo khoác mỏng nhé vì mùa nào thì nhiệt độ Cao Bằng ban đêm cũng xuống thấp hơn ban ngày nhiều.
- Chuẩn bị sẵn áo mưa, nón, áo bông, bản đồ, pin sạc dự phòng, thuốc uống và xịt côn trùng để dự phòng cho những trường hợp bất ngờ.
- Cao Bằng nằm trong vùng biên giới. Vì vậy, du khách đến Cao Bằng hãy đem đầy đủ giấy tờ tùy thân cần thiết. Giấy tờ này cũng sẽ giúp bạn thuê được xe máy khi tới Cao Bằng.
- Khi thuê xe máy cần kiểm tra trước thật kỹ gương xe, còi xe, đèn xe và phanh. Cung đường ở Cao Bằng khá nhiều đèo dốc, nếu quyết định khám phá bằng xe máy thì hãy đảm bảo mình có tay lái đủ cứng bạn nhé.
- Mang theo một chút đồ ăn nhẹ dọc đường để kịp thời nạp năng lượng cho chuyến đi.
- Bạn cần tìm hiểu một chút về các phong tục tập quán của người dân địa phương để không phạm phải những kiêng kỵ khi tham quan.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm du lịch Cao Bằng đầy đủ và chi tiết nhất từ KAVO TRAVEL. Chúc bạn sẽ có một hành trình tuyệt vời khám phá “hòn ngọc xanh” của núi rừng Đông Bắc.